NHÂN GIỐNG MAI VÀNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP VÔ TÍNH

Chiết và cắt cành chiết sau khi mai ra rễ

Giống như nhiều thực vật khác, có thể nhân giống mai bằng cách giâm cành, chiết, tháp hoặc ghép. Một chồi non, một mắt ngủ, khi tháp vào cây cùng họ có thể sống và phát triển thành cây mới, cho hoa trái cùng đặc tính với cây mẹ và có thể cho cây con khác.

Trước đây khoảng gần một trăm năm, nghệ thuật chiết, ghép và giâm cành cây kiểng nói riêng và cây ăn trái nói chung còn quá xa lạ đối với nghệ nhân thời đó. Vì vậy, ngày xưa ông bà mình chỉ biết nhân giống mai bằng cách mà ngày nay chúng ta cho là thông thường nhất, đó là trồng bằng hạt.

Ưu điểm: Cây con giữ được trọn vẹn những đặc tính của cây mẹ, nhưng không thể sản xuất đại trà với số lượng lớn.

1. Thiết kế vườn ươm

1.1. Vị trí vườn ươm

Vị trí vườn ươm không bị ngập úng, đây là điều tối quan trọng khi làm vườn ươm. Nền của vườn ươm bao giờ cũng phải cao hơn khu vực xung quanh để tránh nước đọng lại làm thối cành giâm hoặc cành chiết,…

1.2. Độ thông thoáng

Chọn vị trí vườn ươm ở những nơi có gió nhẹ, để không khí không bị “tù”. Những chỗ ít thông thoáng, cành giâm và chiết thường bị nấm, vi khuẩn gây bệnh. Những chỗ có gió quá mạnh sẽ làm độ ẩm không khí trong vườn giảm nhanh, có thể làm cành giâm và chiết bị khô.

Do đó, nếu vị trí vườn ươm không đạt yêu cầu thì phải chủ động tạo ra những yếu tố cần thiết. Ví dụ: Nếu không thông thoáng thì phải dùng đến quạt gió, nếu gió quá mạnh thì phải dùng lưới che chắn xung quanh để cản bớt. Thậm chí việc che chắn còn có thể linh động theo tình hình của từng ngày.

1.3. Ánh sáng và giàn che nắng

Do cành giâm bị cắt rời khỏi thân cây mẹ, nên ánh sáng gắt quá (cường độ cao) cành sẽ không sống được. Ngược lại thì những chỗ không có ánh sáng mặt trời rọi vào (nhất là lúc sáng sớm) thì cũng không đạt yêu cầu (cây sẽ mọc yếu ớt), trừ khi dùng đèn điện để tạo ánh sáng.

Nên làm giàn che để “lược” bớt ánh sáng mặt trời rọi vào khi nắng gắt. Tỷ lệ nắng còn khoảng 30% kể từ khoảng 8 giờ sáng đến khoảng 16 giờ chiều.

Nếu diện tích nhỏ (khoảng 20 m2) thì mái che có chiều cao khoảng 2,4 m. trường hợp diện tích lớn thì nâng chiều cao mái che lên (mái che cao giàn sẽ thoáng và ánh sáng sẽ phát tán đều). Theo kinh nghiệm, khi giàn ươm đã làm xong, không nên vội vàng ươm hàng loạt ngay mà phải ươm thử một ít, nhằm kiểm tra xem có đạt yêu cầu không (nhất là trong những ngày nắng gắt).

Cách kiểm tra là tiến hành ươm 5 – 10 chậu, cành giâm cứ để lá toàn bộ. Sau đó, tưới nước cả vườn ươm như thể đang chăm sóc cả vườn ươm. Nếu 2 – 3 ngày sau các lá của cành giâm thử chuyển sang màu vàng nhưng không bị khô thì đạt yêu cầu. Còn ngược lại lá bị héo khô là không đạt yêu cầu. Trường hợp này, cần phải xem lại lý do nào độ ẩm không khí không đạt yêu cầu.

1.4. Làm luống (liếp) ươm

Luống ươm có chiều dài tùy theo giàn ươm, nhưng chiều rộng tối đa khoảng 1,2 m, nhằm tạo thuận lợi cho thao tác khi chăm sóc. Về chiều cao của luống, miễn sao đừng bị đọng nước là được. Mặt bằng của từng luống nên phủ bề mặt bằng cát để giữ ẩm (nếu có cỏ mọc cũng dễ nhổ). Lớp cát nên thấp hơn vòng bao chung quanh (viền) để làm chỗ dựa cho bao nylon hoặc chậu không bị đổ.

1.5. Chậu, vật liệu trồng mai vàng

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vật liệu để chứa đất trồng (tạm gọi chung là chậu) gồm: Chậu đất nung, chậu nhựa, giỏ tre, túi ni lông, khay nhựa 105 lỗ

Chúng ta sử dụng loại nào cũng được, nhưng cần chú ý đến các chi tiết sau:

Không nên dùng loại có kích cỡ quá lớn (sẽ dễ gây úng nước sau này, hao chất trồng và chiếm nhiều chỗ). Do cành mai không lớn, nên chúng ta chỉ chọn loại có chiều cao tối đa khoảng 10 cm, miệng chậu tối đa cũng cỡ 10 cm.

Nếu dùng túi nylon (nhựa), chúng ta nên chọn loại có màu đen (vì màu trắng hoặc màu khác có độ trong suốt, sau này rêu xanh phát triển). Túi nylon phải được bấm 8 – 10 lỗ ở phần đáy chậu.

1.6. Giá thể trồng cây mai vàng

Giá thể trồng trong chậu ở giai đoạn ươm cành phải giữ ẩm tốt (nhưng không được đọng nước trong một thời gian dài 4 – 5 tháng). Do đó, Giá thể trồng nên dùng một trong các loại sau:

* Tro trấu

Tro trấu là một loại chất trồng rất tốt, do nó đạt các yêu cầu nói trên. Nhưng chú ý tro trấu phải đen (dạng than trấu), càng to càng tốt. Vì bị nát (nhuyễn) quá sẽ làm cho úng nước và phải để hơn một tuần (kể từ khi lấy ra khỏi lò đốt).

Nếu lấy ra sử dụng ngay sẽ làm cành giâm chết (kể cả đã tưới nước cho nguội).

Do vỏ trấu mỏng, nên than trấu dễ gãy nát. Vì vậy, khi đổ vào chậu không nên nén quá chặt (nén chặt cũng gây ra úng nước).

Nên hỏi kỹ nguồn tro trấu, vì nếu dùng tro trấu của các lò muối thì mọi việc sẽ thất bại.

* Bột xơ dừa khô

Bột vỏ dừa dùng để ươm cành khá tốt. Nhưng nó có nhiều chất “chát” và có trường hợp bị mặn dễ làm hư cây. Để khắc phục những vấn đề này, chúng ta nên ngâm bột xơ dừa trong nước khoảng 1 – 2 ngày. Sau đó vắt cho ráo nước rồi đổ vào chậu.

Do bột vỏ dừa có khả năng giữ ẩm rất cao. Vì vậy, khi đổ bột vỏ dừa vào chậu phải nén hơi chặt (dễ).

* Cát

Cát xây dựng (loại xây) có hạt to vừa phải, dùng ươm cành rất tốt. Vì chúng giữ ẩm nhưng không gây đọng nước (không nên dùng cát vùng có nước mặn).

Với những loại vật liệu dùng để ươm cành nêu trên, gần như hoàn toàn không có chút đất và bất cứ thứ phân bón nào cả. Tại sao vậy?

Tại vì cành giâm trong lúc này nó không “ăn uống” gì được hết. Nó chỉ cần điểm tựa để khi rễ mọc ra có chỗ mà bám vào ổn định và cần độ ẩm của không khí để cành không bị teo tóp lại.

Chỉ khi nào cành giâm có rễ và lá thì lúc đó nó mới hút nước và phân bón. Và đến lúc đó chúng ta mới tính chuyện bón phân.

Việc bón phân sẵn vào giai đoạn này chẳng những vô ích mà còn có thể làm cành giâm bị chết vì các chất hóa học hoặc nấm mốc,…có trong phân bón xâm nhập vào vết cắt.

2. Nhân giống cây mai vàng bằng phương pháp chiết cành

Đối với phương pháp nhân giống hữu tính bằng gieo hạt, cây mai con lớn lên sau này sẽ có bộ rễ đẹp, nhưng khi ra hoa sẽ không được đẹp như cây mẹ. Còn chiết cành thì cây mai chiết ra hoa y như cây mẹ và nhánh chiết cũng được tương đối lớn, nhưng không có bộ rễ đẹp.

Nếu nhánh chiết mọc sát đất, thì cũng dùng dao cắt bỏ một khoanh vỏ rồi kéo nhánh xuống chôn dưới đất và đóng một cây móc để giữ nhánh chặt, cắm thêm một cây nọc giữ phần ngọn đừng cho lay động. Và cứ để yên như vậy, tưới ẩm hàng ngày, vài ba tháng sau, xới đất nhẹ xem rễ, nếu rễ mọc mạnh thì cưa cắt đem trồng.

2.1. Thời điểm chiết cành

Thời điểm chiết cành nên chọn vào đầu mùa mưa. Và nên chọn lúc cây mai sắp hết pha động (lúc lá đã xanh đậm nhưng chưa già). Vì lúc này còn lột vỏ cành mai được.

Vậy khi lá nó đang còn non (pha động) rất dễ lột, tại sao không chiết? Tuy dễ lột, nhưng nó cũng dễ liền da (do nhựa xuống nhiều) làm nó khó ra rễ. Mặt khác, phần lá non sẽ ngã sang màu vàng và khi đem trồng nó rất yếu.

2.2. Chọn cành

Cũng như chọn cành để giâm, cành chúng ta dự định chiết là những cành ở vị trí từ ½ cây trở lên và phía có nhiều ánh sáng.

– Độ lớn: Không nên chọn cành chiết quá lớn. Chỉ nên chọn những đoạn cành phía ngoài cùng, nếu có phân nhánh càng tốt. Thường những đoạn cành này lớn khoảng bằng cỡ chiết đũa ăn cơm (nhưng phải có ít nhất khoảng 15 lá còn tốt).

– Độ dài: Độ dài đoạn cành chiết khoảng 20 – 30 cm (hai đến ba tấc). Nếu cành dài quá và lá quá nhiều, sẽ xuống nhựa làm liền da (cành chiết không ra rễ được).

Tâm lý chung là, người ta muốn chiết cành lớn và dài, để khi đem ra trồng trong một thời gian ngắn, sẽ có một cây mai lớn. Tuy nhiên, lớn thì có lớn nhưng mau lớn thì không. Vì khi được cắt rời khỏi thân mẹ, bộ rễ ít ỏi kia chưa đủ sức lo cho cái cành “quá khổ” đó được, làm cây mất sức, và với cây mai khi đã mất sức, việc phục hồi đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.

2.3. Kỹ thuật chiết cành và chăm sóc

1) Khoanh và tách vỏ

Trên đoạn cành vừa nêu, chúng ta chọn vị trí có phân nhánh (chỏng 3), dùng dao bén cắt đứt lớp vỏ chung quanh một vòng phía trên và một vòng phía dưới. Sau đó, rạch một đường dọc nằm trong hai điểm trên và tách vỏ ra (không nên để sót lại một chút da “vỏ” nào hết).

Chiều dài từ vết cắt khoanh tròn ở phía trên và phía dưới khoảng 2 – 2,5 lần so với đường kính cành tại điểm lột vỏ.

Sau khi tách vỏ ra, chúng ta nên để khoảng 1 – 2 tiếng (tùy theo tình hình trong ngày). Mục đích để cho lớp nhựa giữa phần gỗ và vỏ khô lại. Sau đó, có thể dùng loại thuốc kích thích ra rễ Viprom bôi vào vết cắt phía trên. Cũng có thể nhúng vật liệu bó bầu chiết rồi bó vào mà không cần bôi như trên.

2) Vật liệu bó bầu chiết

Vật liệu để bó cành chiết có khá nhiều, từ đất mùn xốp, xơ dừa khô, rễ lục bình,… bó vào giữ ẩm để rễ sau này có chỗ bám vào là được. Nhưng dễ thao tác, hiệu quả cao người ta thường dùng một trong hai loại sau:

+ Rễ lục bình

Rễ lục bình được lấy ở phần cuối (rất mịn). Sau đó rửa sạch bùn rồi đem phơi thật khô. Khi đem ra bó vào cành thì nhúng nước cho ướt đều và vắt cho ráo nước rồi mới bó. Nếu rễ lục bình có dính phèn sắt (màu vàng) thì nên đem ngâm vào nước vôi (khoảng 1kg vôi + 30 lít nước), lắng lấy phần nước trong, thời gian ngâm khoảng 1 – 2 giờ rồi vắt ráo đem phơi khô.

Khối lượng bầu chiết không nên quá lớn. Nếu cành chiết có đường kính khoảng bằng chiếc đũa ăn cơm thì bầu chiết có đường kính khoảng 5cm và độ dài khoảng 5cm. Từ kích cỡ này, suy ra nếu cành nhỏ hơn thì bầu chiết nhỏ bớt lại và bầu chiết cũng lớn hơn nếu cành lớn hơn.

Tại sao phải có một mức chuẩn tương đối như vậy? Vì nhỏ quá bầu chiết sẽ không đủ chỗ cho rễ bám và lớn quá thì có khi nó bị dư độ ẩm làm hư rễ.

+ Xơ dừa khô

Xơ dừa khô được lấy ở phần gần cuống trái dừa, vì chỗ này xơ sẽ mềm và mịn. Xơ dừa được xé tơi ra và ngâm nước vôi như trường hợp ngâm rễ lục bình để tẩy bớt chất chát.

Sau đó, phơi thật khô và khi bó vào cành chiết làm giống như rễ lục bình.

Sau khi quấn rễ lục bình hay xơ dừa khô vào cành chiết, chúng ta dùng nylon trong suốt quấn quanh bầu chiết và cột kín ở 2 đầu. Chú ý khi cột đầu phải chặt, làm sao cho bầu chiết không bị xoay khi cành chuyển động, bao nylon kín giữ ẩm tốt cho bầu. Vì cột lỏng lẻo thì khi bầu chiết xoay sẽ làm hư rễ.

3) Cắt cành chiết và ươm sau khi ra rễ

Chiết và cắt cành chiết sau khi mai ra rễ

Chiết và cắt cành chiết sau khi mai ra rễ

– Cắt cành chiết:

Do bầu chiết được bao quanh bằng nylon trong suốt, nên chúng ta thường xuyên quan sát, khi nào thấy rễ đã ngã sang màu hơi vàng là cắt bầu chiết khỏi thân cây mẹ.

Sau khi cắt xong, chúng ta nên cắt bỏ bớt khoảng 1/3 chiều dài của cành chiết để giúp nó cân đối lại mà mọc mạnh. Nếu phần còn lại có lá quá nhiều thì cũng nên tỉa bỏ bớt vài lá. Vì lá nhiều sẽ thoát nước nhiều, trong khi đó bộ rễ còn ít chưa đủ sức cung cấp nước…

Trong thời gian bầu chiết còn ở trên cây, nếu bầu chiết bị khô thì dùng ống kim tiêm bơm nước vào để tăng độ ẩm. Vị trí bơm vào ở phía dưới cùng của bầu chiết. Và có một số trường hợp bầu chiết bị liền da không ra rễ được thì mở bầu ra làm lại từ đầu.

– Ươm cành chiết:

Khi tháo bầu, nên ngâm bầu trong nước khoảng 15 phút, cho rễ hút no nước, rồi mới tháo bao nylon ra trồng, như thế cây chiết sẽ không mất sức, sống mạnh hơn.

Chúng ta dùng chậu hoặc túi nylon có kích cỡ lớn hơn chậu giâm cành khoảng 1,5 lần. Hoặc đem trồng hay giâm vào giỏ tre.

Riêng chất trồng thì trộn 1 phần trấu + 2 phần tro trấu hoặc 1 phần tro trấu + 1 phần bột vỏ dừa khô.

Tháo dây và lớp nylon ra khỏi bầu chiết và đặt cành chiết vào chậu (chú ý không được vùi gốc sâu khỏi cổ rễ cành chiết).

Cắm một cây nọc cho cứng, cột chặt nhánh mai đừng để lay động cây sẽ chết.

Che nắng hay để vào chỗ râm mát 10 – 15 ngày, chỉ tưới nước vừa đủ ẩm. Khi cây chiết sống mạnh đem từ từ ra nắng, để cây quang hợp tươi tốt hơn.

Các phần khác như: chăm sóc, sang chậu,..giống như giâm cành

Ngoài cách chiết như trên, chúng ta có thể chiết bằng cách sau đây mà kết quả cũng tốt. Cách này, còn gọi là chiết treo.

Chúng ta chọn bất kỳ cành mai nào cũng được, miễn nó có vị trí thuận lợi cho thao tác là được. Trước khi muốn chiết cành nào thì nên cuốn cho nó hơi cong ngay điểm chúng ta dự định là gốc sau này. Và chúng ta cứ để cho điểm đó ổn định khoảng 10 – 15 ngày (khi uốn nên chọn pha động).

Khi nó đã ổn định chúng ta dùng dao bén cắt bớt 1/3 hoặc 1/2 tại điểm uốn (phía dưới). Sau đó để khô vài tiếng đồng hồ rồi ấn vào chậu treo và cột chặt vào. Trong thời gian treo, chúng ta cứ tưới vào chậu để giữ ẩm liên tục. Khoảng 2 tháng sau, chúng ta xới nhẹ để xem rễ ra nhiều trong chậu chưa. Và nếu đã có rễ nhiều thì cắt cành chiết rời khỏi cây mẹ. Chú ý trước khi cắt nên tỉa bớt cành và lá như cách chiết thông thường.

Hỗ trợ kỹ thuật: 0969.64.73.79 - CSKH: 0949.45.00.33 Dismiss