Tốt nghiệp đại học kinh tế, chỉ vì mê làm nông, anh Phan Tiến Đạt ở TP.HCM đã biến mảnh “đất đen” thành nông trại mai vàng sinh lợi tiền tỷ.
Như đã hẹn, anh Tiến Đạt đón tôi trong căn biệt thự mới toanh với nụ cười tươi rói. Thành quả này là những năm tháng dày công đầu tư và kinh doanh nông trại mai vàng nguyên liệu “khủng” ở TP.HCM.
Tay mơ vào nghề
Ở cái vùng đất đen, phèn chua này cây mía, cây khóm (thơm) – những cây được cho là “bản địa”, còn chật vật sống, mấy người nghĩ tới mai. Năm 1995, trong một lần đi chợ mai tết ở Thủ Đức, anh Tiến Đạt “ngộ” ra tiềm năng kinh tế của cây mai. Cái máu xuất thân dân kinh tế bắt đầu sôi sục.
Thế là anh Đạt bắt tay vào trồng mai. Biết cái yếu của dân “tay mơ” vào nghề và biết nhu cầu cần mai nguyên liệu của nhà vườn ở các làng mai, anh không chọn phân khúc mai bonsai, mai ghép mà chỉ sản xuất mai nguyên liệu. “Năm 1996, nhà có 4 ha mía đang trồng thì tôi lấy 2.000m2 để ươm giống mai. Cứ sau 2, 3 năm trồng, thấy cây mai ngang tầm ngực là tôi liên hệ các nhà vườn bán cây nguyên liệu để họ ghép hay làm bonsai”, anh nói. Thấy nhu cầu mai nguyên liệu này càng tăng, anh mở rộng diện tích lên 3 ha. Trong nông trại của anh luôn có gần 20.000 cây mai nguyên liệu vài ba năm tuổi để cung cấp ngay lập tức cho các nhà vườn khi có yêu cầu.
Để cho mai phát triển tốt, anh Đạt cho rằng khi mai trồng được 1 năm thì cắt ngang thân từ gốc lên khoảng 1cm. Cách làm này là nhằm loại bỏ lá để cây dồn sức nuôi cây khi tiếp tục trồng. Lúc này, cây sẽ đâm ra 2, 3 chồi, nhưng chỉ lấy 1 chồi để khi cây lớn có dáng đẹp, cứng cáp…
Anh tính, sau 2 năm trồng, mỗi ha mai nguyên liệu bán được 350 – 400 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu để vườn mai khoảng 4 năm tuổi, mỗi cây mai lúc này có giá khoảng 50.000 đồng. Mỗi ha trồng khoảng 70.000 cây sẽ cho thu nhập hàng tỷ đồng. “Từ khi chuyển sang trồng mai, đời sống nông dân ở đây ngày càng tốt hơn, phong trào trồng mai đang phát triển ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại”, anh Tiến Đạt vui vẻ cho biết.
Nâng chất vườn mai
Giờ về khu A (xã Bình Lợi), những rẫy mía khẳng khiu, khô khốc trước đây đã nhường chỗ cho những vườn mai xanh ngát, rộng lớn. Theo anh Tiến Đạt, ở khu A có khoảng 200/800 hộ dân đang trồng mai với diện tích khoảng 200 ha. Chỉ tính riêng hơn chục thành viên trong CLB Sinh vật cảnh xã Bình Lợi, mỗi năm xuất bán 200.000 cây nguyên liệu, hàng ngàn cây thành phẩm.
Anh Tiến Đạt cho biết, thời gian qua các làng mai Bến Tre và Thủ Đức đang giảm dần sản phẩm mai bonsai và mai ghép. Nguyên nhân của tình trạng này là do đô thị hóa và thời tiết không thuận lợi, mặt khác, trước nhu cầu cần nâng cao giá trị sản phẩm, nên chúng tôi đã chuyển dần từ chỗ chỉ làm mai nguyên liệu sang làm mai thành phẩm để tiếp cận thị trường. Hiện, mỗi năm nông trại của anh Đạt xuất bán hơn 1.000 cây mai thành phẩm.
Về kế hoạch phát triển, anh Đạt cho biết sẽ không mở rộng nông trại nữa mà tập trung “nâng chất” cho vườn mai thông qua việc cắt tỉa, tạo dáng, làm bonsai… Đây là cách để nâng cao giá trị sản phẩm, cạnh tranh với thị trường mai với các làng nghề trồng mai khác. “Đã qua rồi cái thời nông dân ở đây trồng mai rồi “bán lúa non”, anh khẳng định.
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0969.64.73.79