Cây mai thường được rất nhiều gia đình ưa chuộng chưng trong nhà vào dịp Tết Nguyên Đán. Để mua một chậu mai đẹp, cần khá nhiều chi phí (luôn lên đến tiền triệu). Ngày Tết lại không dài, chỉ chưng cây được vài ngày rồi đem bỏ thì quá uổng. Mà nếu chưng quanh năm thì khi hoa tàn nhìn rất xơ xác. Bỏ thì tiếc mà chưng thì xấu, vậy phải làm thế nào?
Giải pháp đưa ra là trồng lại cây mai. Bài viết sau mách nhỏ bạn cách chăm sóc mai vàng sau Tết để cây đủ sức ra hoa vào mùa xuân năm sau.
Xử lý cây mai sau khi chưng Tết
Suốt những ngày Tết, hầu hết mọi người đều chưng mai trong nhà. Cây bị thiếu ánh sáng nhiều ngày, dễ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp. Đôi khi người trồng quên tưới nước cho cây, chủ quan rằng trời lạnh nên cây không cần nhiều nước. Đồng thời, giai đoạn mai nở hoa cũng mất rất nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng, khiến cây gần như suy yếu.
Sau Tết, việc đầu tiên mà người chơi mai cần làm là xử lý cây mai, phục hồi cho nó. Đầu tiên, đem chậu mai ra ngoài sân nơi có ánh sáng nhẹ và thoáng mát để phơi khoảng 3-5 ngày. Lưu ý tránh để cây nơi ánh nắng gắt, bởi có thể làm cháy lá, khô cành.
Tiếp theo, cây mai nào có hoa chưa tàn hoặc nụ chưa nở thì dùng kéo bấm cắt bỏ, tránh hoa tạo hạt. Đồng thời, những cành quá dài hoặc nhiễm nấm, sâu bệnh cũng cần bị loại bỏ. Việc tỉa cành cần thực hiện ngay trong tháng Giêng, càng sớm càng tốt. Để cành hoa quá lâu sẽ khiến cây mất nhiều dinh dưỡng hơn.
Sang đầu tháng 2, hãy dùng dụng cụ chuyên dụng tỉa bớt rễ già hoặc nhiễm nấm cho cây. Tỉa rễ bằng cách cắt móc xuống đất một vòng tròn quanh gốc, nhẹ nhàng để tạo bầu. Sử dụng kéo bén để cắt những cộng rễ còn quá dài bên dưới bầu, chú ý giữ lại rễ cám để hút chất dinh dưỡng. Bạn nên nhẹ tay đánh rơi bớt đất trong bầu cũ để rễ cây con mới có thể phát triển.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị chậu và đất trồng mới để thay chậu đổi đất cho cây. Chậu mới cần lớn hơn chậu cũ và là chậu cạn càng tốt. Nếu trồng cây mai ngoài vườn thì nên lựa khoảng đất trên cao, thoáng và không bị ngập hay lẫn sạn, gạch đá.
Phương pháp chăm sóc mai vàng sau Tết
Đất trồng cây mai
Để chăm sóc cây mai sau Tết, bạn cần chuyển cây ra trồng ở đất mới. Đất trồng nên chọn loại đất nhiều chất dinh dưỡng. Tốt nhất là đất thịt nhẹ, không nhiễm chua, mặn phèn hay các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Bạn cũng có thể dùng đất cát ở vườn trộn cùng đất thịt phù sa.
Nếu trồng cây trong chậu mới thì nên trộn thêm xơ dừa, tro trấu để có thể tăng khả năng giữ chất dinh dưỡng và nước mà không làm ngập úng cây. Tỉ lệ đất trộn là 30% đất + 30% trấu và 40% xơ dừa. Trường hợp trồng cây ngoài vườn cần xới nhẹ khoảng đất cho tơi xốp để cây dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Bón phân theo thời điểm
Tháng 2 – 6
– Sau khi cho bầu cây vào chậu đất mới, chúng ta ấn chặt đất cho cây đứng vững. Và tiếp theo là dùng thuốc kích rễ. Có thể pha loãng 1 muỗng phân N3M cùng 5 lít nước để tưới đẫm cho cây. Nên tưới phân vào buổi chiều mát để kích chồi lá và rễ phát triển.
Gợi ý khác là trộn hỗn hợp dung dịch gồm phân bón lá sinh học Humic + phân Boom Flower pha loãng kèm nước rồi phun đều trên cây. Humic sẽ bổ sung dưỡng chất cho cây, còn Boom thì kích thích ra đọt non. Tương tự Humic, phân Dynamic Lifter, hoặc phân chuồng, phân Ure cũng được dùng để cung cấp chất đạm cho cây.
Giai đoạn này lá non ra nhiều, nên sẽ xuất hiện bọ trĩ và sâu ăn lá. Cách chăm sóc mai vàng sau Tết tại thời điểm này là dùng thuốc Actara để phun trừ sâu.
Tháng 6 đến tháng 10
Đây là giai đoạn phân chia cành, hình thành nụ, tạo tiền đề ra hoa sau này. Phân lân DAP sẽ giúp phân hóa nụ hoa mạnh. Mùa này cũng là mùa mưa, độ ẩm cao nên bệnh nhiều như đốm lá. Bạn nên dùng thuốc Insuran hoặc Ridomin để phun trị nấm phủ rộng.
Nhiều người còn khuyên dùng NPK Đầu Trâu 13-13-13TE hoặc 20-20-15TE để bón, mỗi lần bón 40-50g/chậu chứa 50-60kg đất, 15-20 ngày bón một lần. Bón các loại phân trên đã cung cấp đầy đủ các chất đa lượng và vi lượng cho mai.
Mỗi tháng bón phân 2-3 lần cho cây mai. Đồng thời nên quan sát cây ra lá, nếu thấy lá quá sum sê và đậm thì giảm số lượng cũng như số lần bón xuống.
Từ tháng 10 đến tháng 12
Những tháng cuối cùng, bạn nên bón phân kích nụ phát triển và hoa nở đúng dịp Tết. Dùng NPK 7-5-44 pha gói 10g cùng 8 lít nước để tưới cho cây 5 ngày 1 lần để bón cho cây nở nhiều hoa và hoa sặc sỡ hơn. Một số người còn dùng hoocmon thực vật Gibberellin nồng độ 25-40 ppm (tương đương 1 viên Gibberellin pha cùng 25-40 lít nước) phun dưới gốc 2 ngày/lần, để kích hoa nhanh nở và nở nhiều.
Đấy là tất cả những gì bạn cần thực hiện để chăm sóc mai vàng sau Tết cho cây đủ chất dinh dưỡng nở hoa vào năm sau. Chăm cây cần nhiều công sức và sự tỉ mỉ, chúc các bạn đủ kiên nhẫn để thành công nhé!
Bài viết có tham khảo ở Web: hoamaixunau.blogspot.com
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0969.64.73.79