Đây là loài mai quý hiếm sống ở những vùng núi hẻo lánh, giá lạnh, hoa nở vào mùa xuân, giáp Tết. Mai trắng còn có tên hàn mai, nhị mai, nhị độ mai. Tên khoa học: Prunus mume Sieb. et Zucc), thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Cây hoa đẹp lại dễ tạo thế nên được trồng chủ yếu để làm cảnh, nhất là vào những dịp Tết. Những người sành chơi hoa trong nhà không thể thiếu cây mai trắng này.
Bộ phận dùng làm thuốc là nụ hoa khô. Thu hái vào mùa xuân khi cây chớm ra hoa, hái lấy những nụ chưa nở, phơi hay sấy khô, bỏ hết cuống là được. Vị dược liệu hình cầu, đường kính 0,5 – 0,65cm, đáy có cuống ngắn, phía trên cuống có bao hoa hình vảy thành nhiều lớp màu nâu. Trong bao hoa có 5 cánh đài màu xanh xám, 5 cánh hoa hoặc nhiều hơn, màu trắng hoặc trắng ngà, úp chặt lấy nhau. Trong cánh hoa có nhiều sợi nhị vàng, giữa có 1 nhuỵ, bầu hình trứng có vòi nhuỵ nhỏ dài. Chất nhẹ, có mùi thơm
Về thành phần hóa học, hoa mai trắng có tinh dầu (cineol, borneol, linalool, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol…) và một số chất khác (meratin, calycanthin, caroten…) có tác dụng thúc đẩy bài tiết mật, ức chế một số loại vi khuẩn (coli, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lỵ, thương hàn, lao…).
Theo Đông y, hoa mai trắng vị ngọt, hơi chua, tính bình, sáp (săn); vào kinh tâm, can. Tác dụng khai vị, tán uất, sinh tân dịch, an thần, hoá đờm, giải độc. Chữa thử nhiệt phiền khát (nắng nóng khó chịu khát nước), đầu mục bất thanh (váng đầu mắt mờ), uất muộn tâm phiền (phiền muộn, khó chịu vùng tim ngực), nhiệt đờm ủng trệ (đờm tắc), tràng nhạc, nhọt độc. Liều dùng 3 – 5g mỗi ngày. Dùng ngoài lượng vừa đủ.
Nhất chi mai (cây mai trắng) không chỉ là cây cảnh đẹp vào mùa xuân mà còn có nhiều tác dụng quý trong phòng trị bệnh.
Một số bài thuốc có mai hoa trắng:
Chữa ho dai dẳng: hoa mai trắng 5g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g. Nấu cháo, thêm ít mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
Chữa uất muộn tâm phiền (phiền muộn, khó chịu vùng tim ngực), tăng huyết áp: hoa mai trắng 3 – 5g, thảo quyết minh 10g. Hãm với nước sôi, uống.
Chữa bụng trướng, đầy hơi: hoa mai trắng 8g, mộc hương 8g, hương phụ 10g. Sắc uống.
Chữa đau bụng do lạnh: hoa mai trắng 3 – 6g, tán bột, uống với rượu.
Chữa viêm họng mạn tính, nhiệt đờm ủng trệ (đờm tắc): hoa mai trắng 6g, hoa sơn chi 5g, trà 10g. Hãm với nước sôi, uống.
Chữa thử nhiệt phiền khát, chán ăn: hoa mai trắng 8g, lá sen 50g. Hãm với nước sôi, uống nhiều lần trong ngày.
Chữa viêm da lở loét, bỏng nhẹ: hoa mai trắng 10g, dầu lạc hay dầu vừng 30ml. Ngâm 10 ngày, lấy dầu bôi lên vết tổn thương, ngày 2 lần.
Chữa viêm loét môi miệng: hoa mai trắng tươi 5 – 7 cái. Giã nát, thêm ít mật ong, trộn đều. Dùng nước bôi chỗ đau.
Chữa nôn mửa: hoa mai trắng 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Hãm hoa mai trắng với nước sôi, gạn lấy nước, thêm nước cốt gừng, trộn đều, uống.
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0969.64.73.79