CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MAI VÀNG YÊN TỬ

Việc trồng và chăm sóc cây mai vàng Yên Tử cũng không quá khó. Ảnh: Baomoi.

Thời điểm gieo hạt tốt nhất là từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Có hai cách gieo hạt là gieo vào bầu hoặc gieo trực tiếp trên đất.

Gieo hạt vào bầu
Chuẩn bị bầu ươm: Chọn bầu ươm nhỏ hoặc trung bình (đường kính bầu từ 8-12cm, chiều cao bầu 10 – 12cm); trộn đất thịt, mùn cưa mục và vỏ trấu hun theo tỷ lệ 2:1:1 vừa đủ để đóng bầu. Trộn đều các loại trên rồi đóng đầy bầu, sau đó tưới ẩm cho bầu; xếp bầu theo luống, mỗi luống 8 hàng, rãnh luống rộng 60cm.
Gieo hạt vào bầu ươm: Chuẩn bị một que nhọn, chọc một lỗ chính giữa bầu có độ sâu từ 1,0 đến 1,5 cm. Mỗi bầu gieo từ 1 đến 2 hạt, sau đó lấy đất lấp kín lại. Hàng ngày tưới ẩm và kiểm tra quá trình nẩy mầm của hạt giống.
Gieo hạt trực tiếp vào đất
Chuẩn bị đất thịt nhẹ đã làm mịn (trộn thêm mùn cưa mục và vỏ trấu đã hun để tăng độ xốp của đất), chọc lỗ sâu và gieo hạt sau đó lấp kín đất.
Tưới nước: Sau khi gieo, tưới nước giữ ẩm thường xuyên, đảm bảo độ ẩm đất duy trì ở mức 70 – 75%. Sau khi gieo được 60 – 70 ngày, chiều cao cây đạt 5 – 7cm; có 3 đến 4 lá thật, khi lá chuyển sang bánh tẻ, thân mập, khỏe mạnh, không gầy vóng là đủ điều kiện bứng trồng vào bầu hoặc trồng chậu.

Việc trồng và chăm sóc cây mai vàng Yên Tử cũng không quá khó. Ảnh: Baomoi.

Việc trồng và chăm sóc cây mai vàng Yên Tử cũng không quá khó. Ảnh: Baomoi.
Trồng và chăm sóc cây
Mai Yên Tử chủ yếu được trồng từ tháng 2 – 4 Âm lịch, thời điểm thích hợp nhất để trồng là khoảng tháng 1 đến tháng 3 âm lịch khi có mưa xuân. Cũng giống như kĩ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc mai vàng Yên Tử chủ yếu được người trồng mai đúc kết từ kinh nghiệm dân gian theo cách thức vừa làm vừa thử nghiệm.
Cây giống được chọn để đem trồng qua phương pháp gieo hạt thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau: Cây gieo hạt được 1 năm tuổi; có chiều cao từ 40 – 60cm; đường kính thân 0,3 – 0,5cm; cây khỏe mạnh, không có biểu hiện sâu bệnh.
Để trồng mai, người dân tiến hành chuẩn bị đất trồng và lên luống, luống rộng 1,5m, chiều cao luống 30cm, rãnh luống rộng 50cm, trên luống đào hố 30 x 30 x 30cm. Nếu là đất thịt nặng, trộn thêm các loại tro, vỏ trấu, vỏ lạc (xỉ than) để nâng cao độ tơi xốp của đất, cho phân chuồng và NPK tổng hợp xuống 2/3 hố. Chuẩn bị cọc tre để sau khi trồng giữ cây không bị lay, đổ.
Trường hợp trồng trên chậu, cần phải tiến hành chuẩn bị chậu, tùy vào dáng thế và kích thước rễ từng cây để điều chỉnh đường kính chậu sao cho hợp lí (thông thường đường kính chậu nên tương đương đường kính tán cây).
Chậu được đặt cách mặt đất trên 10cm (bằng cách lót gạch/đôn ở đáy chậu) để tránh việc úng nước và tránh giun/sâu bọ chui vào làm ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ rễ.
Để chậu ở nơi không bị cớm nắng, khoảng cách tối thiểu giữa các chậu nhỏ là 50 cm, chậu to là 80 cm, sao cho tán lá không bị chùm lên nhau.
Sau khi chuẩn bị đất hoặc chậu, tiến hành trồng cây mai xuống đấy hoặc vào chậu. Kỹ thuật trồng mai được tiến hành như sau:
Nếu trồng cây mai trực tiếp xuống đất: Đặt bầu cây vào giữa hố, dùng dao sắc cắt dây bó hay túi bọc bầu (nếu có). Đổ đất xung quanh cây sao cho cổ rễ thấp hơn mặt luống khoảng 1,5 – 3cm. Dùng tay hoặc các dụng cụ khác lèn đất tương đối chặt để cây có thể đứng vững.
Trường hợp trồng mai vào chậu: Trước khi trồng cây vào chậu, cho 2/3 giá thể (hỗn hợp đất thịt, phân chuồng oai mục và xỉ than) đã chuẩn bị sẵn vào chậu. Đặt bầu cây vào giữa chậu, cắt dây bó hay túi bọc bầu (nếu có). Đổ giá thể xung quanh sao cho cổ rễ thấp hơn mặt chậu 2 – 3cm; dùng tay hoặc các dụng cụ khác lèn chặt giá thể và tưới ướt đẫm gốc.
Cố định cây theo cách: Đối với cây mai nhỏ, sử dụng 1 cọc tre nhỏ đóng cạnh và buộc cố định cây vào cọc tre bằng dây. Đối với cây mai lớn, sử dụng 3 cọc tre có kích thước phù hợp đóng xung quanh, cách gốc 30cm, nghiêng 45 độ. Sau đó dùng dây (lạt) cố định cây vào 3 cọc này.
Cây mai mới trồng cần được tưới nước thường xuyên, giai đoạn đầu 1 ngày/lần, sau khi cây ổn định tưới 2-3 ngày/lần, tùy theo điều kiện thời tiết và độ ẩm xung quanh gốc cây. Tưới vào lúc sáng sớm và chiều muộn, sao cho lớp đất xung quanh bộ rễ luôn đảm bảo độ ẩm 70-75%. Trên thực tế, đến nay nguồn nước tưới mai chủ yếu được lấy từ khe suối, một số người sử dụng nước giếng khoan, số khác sử dụng nước mưa trong bể. Phương pháp chủ yếu là tưới vào gốc hoặc tưới cả lên thân, lá.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc đều chỉ nhằm mục đích giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt chứ không làm thay đổi chất lượng đặc thù của hoa mai. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc đều chỉ nhằm mục đích giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt chứ không làm thay đổi chất lượng đặc thù của hoa mai. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Tiến hành chăm bón cho cây mai, những loại phân bón hiện đang được sử dụng để bón cho mai gồm:
Phân chuồng: Phân chuồng gồm nhiều loại khác nhau, nhưng cơ bản và thông dụng nhất là 2 nhóm: Phân lợn, gà (hàm lượng NPK cao, ít chất xơ, ít tơi xốp) và phân trâu,bò/phân xanh (hàm lượng NPK thấp, nhiều xơ, rất tơi xốp); Khi bón tùy theo chủng loại phân có sẵn để điều chỉnh lượng sao cho hợp lý.
Phân bón lá: Cây mai vàng Yên Tử là giống mai có lá khá to và nhiều lá nên khả năng hấp thụ phân qua lá cao hơn qua rễ rất nhiều và cũng cao hơn so với các giống mai khác. Sử dụng phân bón lá đều đặn sẽ tiết kiệm được đáng kể lượng phân bón qua gốc, vừa giảm chi phí sản xuất vừa bảo vệ môi trường. Các loại phân bón lá thông dụng là: Chế phẩm Đầu Trâu 502, chế phẩm N-Spray-Grow (hoặc Nutri Flower).
Việc bón phân cho mai vàng cũng mới chỉ được chú trọng vào giai đoạn mới trồng, mà chủ yếu là bón lót bằng cách trộn phân chuồng hoai mục cùng với đất trồng. Việc bón phân hoá học tổng hợp định kỳ còn rất hạn chế, rất ít hộ bón và chăm chút thường xuyên do mai vàng vẫn chưa được xác định là cây hàng hoá mang lại thu nhập, mà vẫn chỉ là cây cảnh, trồng chơi.
Làm cỏ thường xuyên giúp cây mai vàng Yên Tử sinh trưởng và phát triển tốt. Việc làm cỏ sẽ làm giảm sự canh tranh về dinh dưỡng với cây mai, khiến cây được cung cấp đủ dưỡng chất, không bị còi cọc, thiếu chất;. Xới xáo làm cho đất tơi xốp hơn, tạo điều kiện để rễ cây hô hấp tốt, giúp cây hấp thụ tốt dinh dưỡng và khỏe mạnh. Che phủ gốc để tránh sự thoát hơi nước, giữ ẩm, làm mát rễ cây,. Vật liệu che phủ là rơm, rạ, cỏ mục hoặc lá cây, được phủ kín gốc.
Các loại sâu thường gặp nhất là sâu ăn lá, bọ trĩ, kiến đen, nhện đỏ và sâu đục thân. Đây cũng là những loài sâu thường xuất hiện trong quá trình sinh trưởng và phát triển của mai vàng Yên Tử. Cách thức xử lý sâu bệnh của người trồng mai hiện nay chủ yếu là bắt bằng tay hoặc cắt bỏ cành bị sâu bệnh, rất ít hộ chú trọng việc phun thuốc phòng trừ sâu.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc đều chỉ nhằm mục đích giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt chứ không làm thay đổi chất lượng đặc thù của hoa mai.

CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG

XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0969.64.73.79

Hỗ trợ kỹ thuật: 0969.64.73.79 - CSKH: 0949.45.00.33 Dismiss