TÌM HIỂU KỸ THUẬT TRỒNG MAI THỜI NAY

Chợ mai vàng

Cách trồng mai thời nay

Ngày xưa đất rộng người thưa, nhưng nay thì ngược lại. Sở dĩ đất đai ngày càng thu hẹp lại là do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân số một là do nạn bùng nổ dân số. Trước đây chừng nửa thế kỷ thôi, số dân trong nước khoảng 50 triệu người, thì năng đã tăng lên trên 80 triệu. Đông người thì phải lấy đất cất thêm nhà nên đất đai càng ngày càng ít lại. Trong bối cảnh bùng phát đô thị hóa, phố xá mới mọc thêm lên, đường sá mới mở rộng thêm…

Đó là chưa tính đến sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy, rồi sân gôn… Vì vậy, đừng nói chỉ ở thành phố đông dân, mà ngay các vùng ngoại ô, thôn quê trước đây ruộng vườn “cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi”, nay cũng… tấc đất tấc vàng, đất đai cũng bị thu hẹp dần…

Thế nhưng, có điều lạ là dù lâm vào cảnh đất hẹp người đông, nhưng ngày nay, nói không ngoa, số lượng mai kiểng được trồng nhiều gấp trăm, gấp ngàn lần thời xưa nữa!

Ngày nay, tuy không còn cảnh nhà nhà trồng mai đông đảo như trước, dù mỗi nhà chỉ trồng khoảng năm bảy cây để ngày cuối năm cắt cành lấy hoa chưng tết, nhưng bù lại có sự xuất hiện càng ngày càng nhiều các vườn mai lớn có nhỏ có. Ngay tại Sài Gòn, nơi có mật độ dân cư đông nhất nước mà cũng có những vườn mai nổi tiếng lâu đời, vườn nhỏ nhất cũng rộng năm bảy trăm mét vuông, còn vườn lớn rộng từ vài ngàn mét đến ba bốn mẫu đất.

Và ngày nay, gần như tỉnh thành nào ở Nam Bộ cũng có những vườn mai rộng lớn do những nghệ nhân hoa kiểng lành nghề chăm sóc.

Tại thành phố Hồ Chí Minh có những địa danh trồng mai lâu năm cả nước đều biết tiếng như: Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi… còn các tỉnh thì có Bình Dương, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc (Đồng Tháp)…

Được biết, riêng tại phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) đã có đến hơn chục vườn mai của các nghệ nhân hoa kiểng Năm Quan, Hai Dũng, Chín Nhỏ, Tư Công, Nhơn Hòa, Hai Chiếu, Chín Hiếu…

Cũng tại phường Hiệp Bình Phước này, trước đây hơn nửa thế kỷ, có ông Năm Giếng mà nhiều nghệ nhân trồng mai đời sau ở địa phương này tôn là bậc thầy trong nghề ghép mai.

Vào thuở đó ai cũng trồng mai cây (mai nguyên thủy) đâu ai biết đến nghệ thuật ghép ra sao. Chỉ riêng ông Năm Giếng vì quá yêu nghề nên mới gắng công miệt mài tìm hiểu nghệ thuật ghép mai, và cuối cùng ông đã thành công, rồi truyền nghề lại cho những đồng nghiệp khác.

Sau ông Năm Giếng thì đến ông Ba Thật, người có công sưu tầm những giống mai lạ, hiếm, quí để lấy cành giâm, mắt ghép… Tiếp nối công việc của ông Ba Thật thì đến ông Tư Liên, sau đến ông Ba Sồi Trần Văn Ẩn…

Riêng ông Ba Sồi còn nổi tiếng với nghề trồng xương rồng….

Điều này cho thấy nghề trồng mai kiểng thời nay đã trở thành công nghệ hóa, và đây là nghề dễ kiếm ra tiền. Vậy, do đâu nghề trồng mai được phát đạt như vậy?



Chợ mai vàng

Chợ mai vàng Ảnh: Zen Nguyễn (zing.vn)

Câu trả lời là do cây mai ngày nay đã trở thành cây mai hàng hóa. Hiểu một cách đơn giản, cây mai được coi là một thứ hàng hóa có thể bán, mua như những thứ hàng hóa khác, chứ không phải như cây mai vàng năm cánh ngày xưa, trồng chỉ để trong nhà lấy hoa chưng cúng, có dư ra thì đem tặng biếu cho hàng xóm láng giềng, vì có đem ra chợ bán cũng không có người mua!

Các loại mai được trồng

Ngày nay, trong các vườn mai lớn nhỏ đa số cây mai được trồng là mai ghép, một số ít là mai nguyên liệu (trồng để lấy gốc làm gốc ghép), mai bonsai cũng trồng không nhiều. Riêng mai nguyên thuỷ (mai cây ngày xưa) rất ít nơi trồng, vì không còn được thị trường ưa chuộng…

– Cây mai ghép: Cây mai ghép ngày nay chiếm được địa vị độc tôn trong các loại mai kiểng, vì có thị trường tiêu thụ mạnh.

Sở dĩ cây mai ghép được nhiều người ưa chuộng là nhờ cây có kiểu dáng lạ, đẹp.

Cây mai này có thân cao tối đa chừng hai mét, được nghệ nhân hoa kiểng bỏ ra nhiều công sức để tạo hình thế từ bộ rễ đến thân, cành mới mang được vẻ đẹp hài hòa cân đối, lại gọn nhẹ xinh xắn. Nó khác với cây mai nguyên thủy mọc tự nhiên ở ngoài bờ bụi trông thô kệch làm sao.

Điểm đặc biệt đến độ lạ lẫm kỳ diệu ở cây mai ghép là nhờ vào tài ghép của nghệ nhân mà dù gốc ghép là cây mai vàng năm cánh, hay mai tứ quí, nhưng nó lại ra hoa mai Giảo, hoặc mai Huỳnh Tỷ… có cây trên cùng một gốc ghép mà lại nở nhiều loại hoa, như cành thì mai trắng, cành lại mai vàng, hoặc mai xanh trông rất lạ.

Tùy ý thích của mỗi người một khác, nhưng thực tế cho thấy đa số người chơi mai ghép đều chỉ muốn chọn cho mình cây mai chỉ nở duy nhất một loài hoa như mai Giảo Thủ Đức (mỗi đóa có 12 cánh, xếp thành hai tầng), hoặc mai Huỳnh Tỷ, mai Cửu Long (mỗi đóa có 24 cánh, xếp thành 3 tầng)… Vì rằng trên mỗi cây mai chỉ nở một thứ hoa như vậy trông có vẻ tự nhiên hơn, đẹp hơn.

Để dánh giá một cây mai ghép đẹp, ta phải xét đến từng bộ phận như:

+ Bộ rễ: Bộ rễ được đánh giá là đẹp khi cây có rễ mọc khí sinh, lồi trên mặt chậu. Các rễ phải mọc lan ra nhiều phía vừa giữ thế đứng vững cho cây vừa tạo được vẻ đẹp tự nhiên của cây mọc hoang dại ngoài thiên nhiên.

Phần thân: Mai ghép còn có tên là mai lùn, vì thân cây chỉ cao đến hai mét, tính luôn chiều cao cái chậu. Nếu là cây mai lão thì phải có gốc to. Gốc (và cả những rễ lớn) nếu có nhiều u nần nổi lên lại càng tăng thêm phần giá trị. Còn nếu đó là mai tơ thì cây phải tròn, vỏ trơn láng.

+ Phần tán lá: Tán lá của cây mai ghép được đánh giá là đẹp nếu có dạng hình chóp như cây thông: Các cành phía gốc thì dài giúp tán rộng, càng lên cao phía ngọn các cành càng ngắn lại dần. Điều cần chú ý là cành ở gốc không được để sà sát mặt chậu (che khuất phần gốc) và cũng không quá cao (để trống chân). Cành thấp nhất chỉ nên cao cách mặt chậu chừng 15cm là vừa.

+ Phần lá: Cây mai ghép đẹp, lá của nó phải xanh tươi, chứng tỏ đó là cây được tưới bón đầy đủ, có sức sinh trưởng mạnh.

+ Phần hoa: Mai chỉ nở hoa vào dịp tết Nguyên đán. Chờ tết đến mới chọn cây có hoa đẹp theo ý mình thì không bị lầm. Nhưng, nếu chọn cây mai vào những tháng giữa năm thì ta chỉ còn biết đặt trọn niềm tin vào người bán. Vì vậy, ta nên mua mai tại những vườn có uy tín lâu năm. Họ sẽ bảo đảm cho mình cây nào ra hoa mai Giảo, cây nào trổ hoa Huỳnh Tỷ… chỉ những nghệ nhân hoa kiểng nhiều kinh nghiệm, sống lâu năm trong nghề họ mới có khả năng phân biệt được đâu là cây mai ghép sẽ ra hoa 12 cánh, cây nào ra hoa 24 cánh…

Cây mai tuyệt đẹp

Cây mai tuyệt đẹp (ảnh: utvanut)

– Cây mai nguyên liệu: Tại sao gọi là cây mai nguyên liệu?

Đây là từ trong nghề do các nghệ nhân hoa kiểng đặt ra để chỉ những cây mai trồng với mục đích chỉ dùng phần gốc của nó để làm gốc ghép.

Như quý vị đã biết, để tạo ra cây mai ghép, ta cần có trong tay những “nguyên liệu” sau đây: gốc ghép và cành ghép, mắt ghép.

Trước đây vài ba mươi năm, khi cây mai ghép chưa có thị trường rộng lớn như ngày nay thì việc tìm gốc ghép cho cây mai ghép tương đối dễ dàng. Người có nhu cầu chỉ cần tìm những cây mai mọc hoang dại ngoài bờ bụi hay trong các vườn tược, bứng lên đem về dùng. Hoặc tìm mua mai cây ở các vựa bán mai kiểng, giá cũng không cao. Chỉ cần chọn những cây mai tơ, khỏe, không bị sâu bệnh, dù là mai vàng năm cánh, hay mai tứ quí đều được.

Nếu chọn được những gốc “lão mai” có tuổi đời vài ba chục năm, có bộ rễ đầy u nần thì càng có giá tri hơn, lại càng mừng.

Thế nhưng, về sau này khi cây mai ghép có thị trường rộng rãi thì nhà vườn nào hàng năm cũng cần có số lượng gốc ghép thật nhiều, đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn gốc thì… chỉ còn cách chủ động sản xuất gốc ghép tại chỗ mới có đủ mà dùng. Hơn nữa, nếu trồng dư ra đem bán lại cho người trong nghề cũng có lắm người mua.

Theo kinh nghiệm của nhiều nghệ nhân sống lâu năm trong nghề trồng mai thì gốc ghép được lấy từ giống mai vàng năm cánh có khả năng sinh trưởng tốt và ít bị sâu bệnh. Do đó, cứ sau tết Nguyên đán độ một tháng, hoa của các cây mai vàng đã tàn rồi hột của nó trổ màu đen như hột mãng cầu ta (hột đã chín) thì lặt hết vào làm giống. Hột tươi lặt vào có thể đem gieo ngay hoặc đựng trong thau, trong thúng đặt vào nơi thoáng mát trong nhà, chờ một hai tháng sau đem gieo cũng được.

Những hột mai già nếu ta không lặt hái thì cũng rụng xuống đất và mọc thành mai con.

Hột mai giống sau này sẽ được gieo trong vườn ươm.

Khi chọn được cuộc đất để làm vườn ương, trước hết chủ vườn phải lo cuốc xới cho cuộc đất tơi xốp, bón lót phân chuồng hoai, phân rác mục cho đầy đủ, sau đó mới lên liếp để ương hột mai giống.

Liếp ương hột mai phải đủ cao, và chung quanh phải tạo mương rãnh thoát nước hữu hiệu để tránh bị úng ngập trong tháng mưa bão hoặc lúc triều cường.

Chuẩn bị tốt công việc này thì việc trồng mai nguyên liệu mới gặt hái được thành công như ý.

Hột mai giống gieo trên liếp nên theo hàng lối, sao cho hàng cách hàng khoảng 20cm, và hột cách hột khoảng 10cm là vừa. Khi gieo hột vào liếp, ta nên dùng một cây que to bằng chiếc đũa ăn cơm, thọc sâu vào đất chừng 2cm rồi bỏ xuống lỗ đó một hột mai giống. Do hột mai có khả năng nảy mầm rất tốt, có thể đạt đến mức gần cả trăm phần trăm nên ta không cần lo xa mà gieo một lỗ đến hai ba hột giống.

Sau khi gieo hột xong, ta nên phủ một lớp mỏng rơm rạ khô trên khắp mặt liếp ương để che mưa nắng. Đồng thời phải tưới nước bằng vòi hương sen giúp đất liếp đủ ẩm để hột mai giống dễ nảy mầm.

Khi cây mai con lên cao cỡ gang tay hoặc hơn một chút là lúc ta bứng chúng ra trồng vào chậu hoặc trồng cố định ở ngoài vườn. Mỗi cây mai con nên bứng có bầu đất mới bảo quản được bộ rễ nguyên vẹn, nhờ đó mà khi trồng vào chậu hay trồng ngoài vườn cây mới không mất sức và sinh trưởng tốt.

Mai con trồng trong chậu để chờ làm gốc ghép sau này, tuy cũng là trồng tạm, nhưng thời gian cũng đến vài ba năm hoặc lâu hơn. Do đó, đất trong chậu phải được bón phân tro đầy đủ, nhờ đó cây mới đủ chất bổ dưỡng mà lớn nhanh.

Nếu mai con đem trồng ngoài vườn thì đất vườn cũng phải cày bừa kỹ, sau đó lên liếp, bón lót như đất gieo hột giống trước đây.

Trên tiếp trồng lần này, ta phải đào hố có đường kính chừng hai gang tay, và sâu 30cm, dưới hố bón phân chuồng hoai mục, trộn tro trấu và mụn xơ dừa rồi mới đặt bầu mai con vô trồng. Cứ mỗi hố trồng một cây, sao cho hố cách hố 1m và hàng cách hàng 1m, đủ rộng cho cây mai con làm gốc chép phát triển tốt sau này.

Khi cây mai con cao gần mét, thân lớn bằng ngón tay cái trở lên là có thể dùng làm gốc ghép được.

Lúc này chúng lại được đào lên với nguyên bầu đất rồi đặt tạm vào nơi mát mẻ để nhà vườn với kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm của mình quan sát kỹ dáng thế của từng cây ra sao mà cưa bỏ những phần thân nhánh cho là không hợp cách. sau đó, phần gốc còn lại sẽ được trồng vào chậu và đặt vào chỗ có bóng râm mát mẻ chờ tháp ghép…

Việc chọn cành hay mắt ghép (bo) không đòi hỏi nhiều công sức như cách tạo gốc ghép vừa được trình bày ở phần trên.

Như quí vị đã biết, thời gian khoảng chục năm đầu khi cây mai ghép ra đời, nhiều người thích chơi những cây mai cùng một gốc mà lại trổ nhiều sắc hoa như mai vàng (hoàng mai), mai trắng (bạch mai), mai xanh (thanh mai)… Cho rằng như vậy mới lạ, mới quí. Nhưng càng về sau, khách chơi mai lại thích mai vàng. Những cây mai ghép chỉ được ghép một thứ mai quí như mai Giảo 12 cánh, hoặc mai Huỳnh Tỷ 24 cánh, đều là mặt hàng được nhiều người chọn mua. Quí vị đã biết, những giống mai nổi tiếng này ra hoa đóa lớn, hoa có nhiều cánh, xếp thành nhiều tầng, màu sắc lại tươi tắn nên càng nhìn càng ưa…

Để có đủ cành ghép và mắt ghép (còn gọi là bo hay vảy), nhà vườn phải trồng một số cây mai Giảo, mai Huỳnh Tỷ. Có chủ động được việc này mới có đủ nguyên liệu mà ghép mai.

Dù đó là những giống mai quí nhưng vì trồng chỉ với mục đích thu hoạch cành và mắt (bo) sau này để ghép vào gốc ghép, nên ta có thể trồng bằng phương pháp hữu tính là ương bằng hột, hoặc bằng cách giâm cành cũng được.

Cây mai nếu trồng với mục đích này, hằng ngày chỉ cần lo tưới bón cho cây, và phòng trừ sâu rầy bệnh hại để giúp cây sinh trưởng tốt. Nhà vườn không cần bỏ công sức ra uốn tỉa, tháp ghép để tạo hình dáng như đối với những cây mai kiểng khác.

Cũng xin được trình bày thêm là khi ghép mai phải chọn lấy những cành tươi tốt, không được non quá mà cũng không già quá, vì chúng sẽ mất khả năng mọc mạnh.

Còn chọn mắt ghép thì chọn lấy mắt lá hoặc chồi non mới nhú mới tốt. Hơn nữa cành ghép và mắt ghép khi tách rời khỏi cây mẹ thì nếu được ghép ngay trong ngày mới có khả năng sống cao. Chính vì những lẽ đó nên đa số người trồng mai ghép phải dành ra một khoảnh đất để trồng mai nguyên liệu, để lúc nào cần là có sẵn mà dùng.

– Cây mai nguyên thủy: Mai nguyên thủy là tên gọi mới được đặt ra của cây mai mà người mình trồng với mục đích cắt cành lấy hoa chưng cúng trong ba ngày tết thuở xưa.

Nói rõ ra, cây mai nguyên thủy là giống mai vàng 5 cánh, trong đó có các giống mai trâu (châu), mai sẻ, mai cánh tròn, mai cánh dún, mai thơm… ngày nay rất ít người trồng, mà người trồng cũng không có người mua, nên nhà vườn chừa đất để trồng mai ghép bán được giá hơn.

Cây mai nguyên thủy như phần trên chúng tôi đã trình bày, chỉ được trồng để lấy gốc ghép mà thôi.

– Cây mai bonsai: Trong nhiều vườn mai hiện nay, ngoài số lượng mai ghép chiếm đa số, còn có một số chậu mai bonsai được trồng, vì cũng là mặt hàng bán chạy nhờ có một lượng đáng kể khách hàng riêng.

Hoa mai vàng

Cây mai vàng bonsai đẹp (ảnh: utvanut)

Cây mai bonsai còn có tên là “kiểng lùn trồng trong chậu trẹt”, có xuất xứ từ Trung Hoa, đến Nhật Bản, và có mặt tại nước ta gần như cùng thời với mai ghép. Do có kiểu dáng đặc biệt nên từ lúc góp mặt trong làng hoa kiểng, cây mai bonsai đã nhanh chóng gây được sự chú ý đặc biệt của đa số người chơi hoa kiểng, nhất là người ở thành thị.

Mai bonsai tuy nhỏ nhưng mỗi cây đều có nét đặc thù riêng. Nhờ vào óc sáng tao tuyệt vời và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân hoa kiểng mà cây mai bonsai mới mang được vẻ đẹp diệu kỳ của một cây “lão mai” hoang dã sống trong cảnh mưa dập gió vùi ngoài trời cả trăm năm, nay được thu nhỏ lại thành cây kiểng lùn một cách khéo léo.

Nghệ nhân đã tốn nhiều công sức và thì giờ trong việc phả vào cây kiểng lùn này những nét kỹ xảo qua sự già cỗi của bộ rễ khí sinh nổi côm lên trên bề mặt chậu, gốc mai với nhiều u nần sần sùi, đến vỏ cây nứt nẻ với những vết trầy xước, rồi những hang hốc trông rất tự nhiên nên càng nhìn ngắm ta càng thấy cây kiểng luifn này có những đường nét giống tạc như cây cổ thụ mọc tự nhiên ở ngoài trời, nên càng ngắm càng không thấy chán.

Sở dĩ được vậy là do cây mai bonsai được nghệ nhân ra sức uốn tỉa và tháp ghép dựa theo năm thế căn bản như ta đã biết là thế Trực, thế Cận trực, thế Hoành, thế Ngọa và thế Huyền nhai. Nhiều cây còn được uốn tỉa theo nhiều thế phụ khác, giống như nghệ thuật uốn tỉa kiểng cổ của người xưa. Và dù tuy ít cành, ít hoa nhưng mai bonsai vẫn đủ sức thu hút được sự chiêm ngưỡng và lòng ái mộ của đông đảo người xem.

Mặt khác, sở dĩ cây mai bonsai nói riêng và kiểng bonsai nói chung càng ngày càng được ưa thích là do cây kiểng nhỏ bé này thích hợp với môi trường sống quá chật hẹp của đa số thị dân. Ở nhà vẫn xuất hiện vài ba chậu mai bonsai mang dáng điệu của cây kiểng cổ tuyệt đẹp, thử hỏi mấy ai lại không thích?

Thành thị ngày nay do nạn bùng nổ dân số nên đi đến đâu cũng toàn gặp cảnh đất hẹp người đông, nhà cửa thi nhau mọc lên như nấm, nên không mấy ai được may mắn sống trong những ngôi nhà có sân rộng, dù chỉ độ mươi mét vuông thôi để lập vườn hoa gia đình theo đúng sở thích của mình.

Tình trạng này chỉ mới xảy ra ở nước mình chừng ba bốn thập niên nay thôi. Nhưng, trước đó hàng trăm năm, nhiều thành phố ở châu Âu, châu Mỹ đã phải gồng mình chịu đựng cảnh sống chật chội như vậy rồi!

Được biết, vào những thập niên đầu thế kỷ 20, các thành phố lớn nhỏ ở Âu Mỹ nơi đâu nhà cửa cũng rộng thênh thang, bỗng nhiên phải miễn cưỡng đón nhận vô số dân quê lũ lượt kéo lên thành phố để tìm kiếm việc làm. Từ đó, nhà cửa được xây cất nhiều thêm, đất đai lên giá dần… và sau một thời gian không lâu, gần như không còn nhà nào còn miếng đất trống trước sân để lập vườn hoa gia đình như trước nữa.

Sống trong môi trường quá chật hẹp như vậy, nhưng ai có thói quen thích chơi hoa kiểng không sao tránh được sự bực bội, phiền não, khổ sở nữa…

Như quí vị đã biết, vào thời xa xưa đó, dù ở thành thị, gần như nhà nào cũng lập vườn hoa rộng lớn, và nhiều người lại có sở thích trồng những cây kiểng có thân cao to đến 5-10 mét tỏa bóng mát một vùng. Nay, đất hẹp người đông thì đâu nhà nào còn đất trống để trồng những cây kiểng đó?

Không còn đất đai rộng rãi để chơi kiểng lớn, mọi người mới quay sang chơi kiểng bonsai, trước hết vì thích thú với cây có kiểu dáng lạ, sau nhận thấy kiểng bonsai mới hợp với những nơi “phố phường chật hẹp người đông đúc”…

Chậu mai bonsai vốn nhỏ gọn, không chiếm nhiều diện tích: một chỗ trống ở bao lơn, trên tủ chè, bàn salon hoặc bàn giấy… trông vừa đẹp lại gọn gàng.

Do cây kiểng bonsai vừa gọn nhẹ, mà mỗi cây đều có một kiểu dáng đặc biệt, gần như không cây nào giống cây nào nên mặt hàng này không phải chờ đến tận tết mới có nhiều người tìm mua, mà bán được quanh năm. Còn một lý do khác cần đề cập đến nữa, là kiểng bonsai nói chung, mai bonsai nói riêng thường được bán với giá hợp với túi tiền của giới bình dân.

Tóm lại, so sánh phương pháp trồng mai của người xưa và thời nay; ta thấy phương pháp trồng mai của thời nay… tiến bộ hơn nhiều. Tất nhiên, vấn đề này xét kỹ sẽ thấy có nhiều nguyên nhân sâu xa.

Sự khác biệt đó phần lớn là do cây mai ngày nay thuộc dạng … mai hàng hóa, đem ra mua bán như các thứ hàng hóa khác trên thị trường. Tuy đây không phải là mặt hàng thiết yếu, nhưng lại có thị trường rộng rãi, lúc nào cũng lắm kẻ bán người mua.

Kế đó là kinh tế phát triển, đời sống người dân được khấm khá hơn xưa, no đủ hơn xưa, nên nhiều người mới có cơ hội tìm đến sở thích chơi hoa kiểng của mình.

Nhờ nghề trồng mai phát đạt nên các nghệ nhân trồng mai kiểng mới có hứng thú không ngừng cải tiến trong việc trồng trọt, lai tạo giống mới để cung ứng cho thị trường những giống mai mới lạ, hiếm quí như giống mai Giảo Thủ Đức có đóa hoa to 12 cánh màu vàng rực xếp thành hai tầng; như mai Huỳnh Tỷ (do nghệ nhân Huỳn Văn Tỷ lai tạo) nở đóa to 24 cánh xếp thành ba tầng; Thủ Đức còn nổi tiếng với giống mai Cúc cũng 24 cánh xếp thành ba tầng, trông giống như bông hoa cúc; Tiền Giang có giống mai Cửu Long, ra hoa cũng 24 cánh xếp thành ba tầng… và thành tựu đáng kể nhất là sự “di hoa tiếp mộc” qua nghệ thuật tháp ghép để cho ra đời cây mai ghép được nhiều người yêu thích hiện nay.

“Di hoa tiếp mộc”, có nghĩa đổi hoa này thành ra hoa khác, hoặc kết hợp cây này với cây khác để thành một cây mới lạ.

Thành quả này là do nghệ thuật tháp ghép mà nghệ nhân hoa kiểng ngày nay đã tìm tòi ra được, nhưng với người xưa dù ao ước lắm cũng chưa ai thực hiện được.

Nhờ nghề trồng mai hái được nhiều tiền nên ngày nay không ai sống với nghề này lại lơ là đến việc chăm sóc, tưới bón và phòng trừ sâu rầy.

Đây là điều mà ngày nay chúng ta cho là cần thiết để giúp cây mai có đủ điều kiện mà sinh trưởng tốt, còn người trồng mai ngày xưa lại ít quan tâm đến, trừ những cụ già trồng kiểng thế họ mới rỗi rảnh ngày ngày chịu khó… tỉa lá bắt sâu, tưới bón đầy đủ.

Tuy vậy, chúng ta cũng học hỏi được ở người xưa về nghệ thuật uốn sửa cây kiểng.

Người xưa chưa khám phá ra kỹ thuật ghép cành, ghép bo để thực hiện ước muốn “di hoa tiếp mộc” nhưng, nhờ vào óc sáng tạo tuyệt vời, kết hợp với sự khéo léo của hai bàn tay và sự cần cù lao động không biết mệt mỏi, ông bà ta xưa đã uốn thân sửa cành tạo nên được những cây mai kiểng thế tuyệt đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.

Mỗi cây kiểng thế đều được người trồng ngầm ký thác một chủ đề liên quan đến đời sống như chủ đề đạo đức, chủ đề tư tưởng, hoặc chủ đề triết lý sống… mang ý nghĩa rất thâm thúy, sâu xa.

CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG

XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0969.64.73.79

Hỗ trợ kỹ thuật: 0969.64.73.79 - CSKH: 0949.45.00.33 Dismiss