SÂU KHOANG VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ

 1. Đặc điểm nhận biết  

Sâu giai đoạn trưởng thành thường có màu xám hoặc nâu xám, cánh trước có màu nâu vàng, có các vằn đen trắng, cánh sau màu hơi trắng.

Giai đoạn trứng: Trứng được đẻ thành ổ ở mặt dưới lá và được phủ một lớp lông bảo vệ. Một ổ có từ 50 – 200 trứng. Một con cái có thể đẻ từ 500 – 2.000 trứng.

Giai đoạn sâu: Sâu non mới nở màu xanh sáng, sống tập trung và phân tán khi lớn. Sâu tuổi lớn có màu từ xám xanh đến nâu đen với những sọc vàng hoặc trắng.

Nhộng dài màu nâu tươi hoặc nâu tối, hình ống tròn. Sâu hóa nhộng trong đất.

Sâu khoang ăn trụi những cây có bản lá rộng

2. Đặc điểm gây hại:

 – Sâu khoang còn được gọi là sâu ăn tạp gây hại trên tất cả các loại rau, màu, cây họ đậu, sắn, họ cải, khoai tây…. Sâu non tuổi nhỏ thường gây hại nghiêm trọng nhất bởi vì hàng trăm con sâu non tập trung lại ăn lá cây và nhanh chóng làm lá cây xơ xác. Sâu non còn có thể gặm ăn vỏ thân, vỏ quả làm giảm phẩm chất.

– Sâu non có 6 tuổi, sâu non mới nở tập trung dưới lá ăn biểu bì của lá, sau đó lớn dần thì ăn hết thịt lá chừa lại biểu bì và gân. Ở tuổi 3 và 4 sâu phân tán và cắn khuyết lá hoặc có khi cắn chụi lá, cánh hoa, nụ quả, thậm chí gặm cả vỏ thân cây. Thời gian sâu non kéo dài từ 15 – 23 ngày. Khi đẫy sức chúng chui xuống đất hoá nhộng, sau khoảng 12 ngày thì vũ hoá.

3. Biện pháp quản lý:

Để quản lý sâu khoang có hiệu quả cần phải thực hiện tốt một số biện pháp như:

* Biện pháp canh tác:



– Vệ sinh đồng ruộng trước và sau khi trồng, cày ải phơi đất.

– Dẫn nước ngập ruộng trước khi làm đất.

* Biện pháp cơ giới vật lý:

Diệt ổ trứng và sâu non bằng tay.

* Biện pháp sinh học:

– Hạn chế phun thuốc để bảo tồn các loài thiên địch thường xuất hiện trên ruộng như nhện, bọ rùa, ong kí sinh…

– Dùng bẫy bả chua ngọt diệt trưởng thành rất có hiệu quả.

Cách làm bả chua ngọt: trước khi tiến hành đặt bả từ 3 – 4 ngày thì tiến hành làm bả chua ngọt theo tỷ lệ các thành phần như sau: 4 phần đường trộn với 4 phần dấm, một phần rượu và một phần nước, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều.

Cho dung dịch trên vào can nhựa, xô nhựa… đậy kín, chờ 3 – 4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu. Liều lượng cứ 1 lít bả dung dịch chua ngọt cho 10ml thuốc trừ sâu ofatox, khuấy đều hỗn hợp là đem ra sử dụng được. Lượng sử dụng cho mỗi hộp bẫy từ 0,1 – 0,15 lít bả chua ngọt.

* Biện pháp hóa học:

Có thể dùng một trong các loại thuốc như ofatox, Sherpa để phun. Chú ý phun khi sâu tuổi còn nhỏ thì hiệu quả càng cao./.

Hỗ trợ kỹ thuật: 0969.64.73.79 - CSKH: 0949.45.00.33 Dismiss