Mai là loài cây dễ trồng và cũng không phải là loài cây khó ra hoa. Không những chỉ sau 2 –3 năm trồng, là cây đã cho hoa rộ, có cây chỉ sau năm đầu tiên đã cho hoa bói, mà còn có khả năng ra hoa trái vụ, cây lại cho hoa chùm, mỗi mắt lá có tới 5 – 6 bông hoa, nên hoa thường rất dầy đặc.
Các cây hoa mai của bạn trồng đã lâu, gốc đã to mà chưa cho hoa hay cho hoa rất ít, thì đó có thể là vấn đề thuộc về giống.
Gặp trường hợp này, nhiều người đã phá bỏ chúng đi để trồng cây mai mới. Nhưng để tranh thủ thời gian và độ lớn của cây, khỏi lãng phí công sức, bạn có thể cắt bỏ hết các cành cũ đi, chờ cho lớp cành mới mọc ra, tỉa bỏ và sắp xếp các chồi non để cây sẽ cho tán cây vừa ý mình sau này, chờ chúng có tuổi 7 – 8 tháng, thì lấy hom hay mắt của cây giống mà bạn định thay thế để ghép vào. Thời vụ tốt nhất là mùa khô, cách ghép có thể là ghép áp, ghép nêm hay ghép bo. Bạn cũng có thể ghép vào mùa mưa được, nhưng phải bảo vệ kỹ, để nước không ngấm vào làm thối vết thương. Cách ghép chắc sống nhất là lấy ngọn của cành giống ghép vào ngọn của cành cây gốc ghép, gọi là “ghép cắm đọt” hay lấy mắt của cây giống đã bắt đầu nẩy chồi để ghép mắt gọi là “ghép mắt kim”. Làm thành công, ngay sau khi các hom ghép, mắt ghép thành cành, vào vụ hoa, cây mai đã cho hoa ngay được.
Thường thì trồng mai trong chậu, khi cây còn nhỏ, cứ 2 năm nên thay chậu to hơn một lần, khi cây to hơn thì 3 năm, tới khi cây thành cây cổ thụ mới thôi. Kết hợp với thay chậu là thay đất. Khi thay chậu, bạn nên uốn nắn bộ rễ, cắt bỏ các rễ chết, rễ nhỏ, sắp xếp lại tạo cho cây có bộ rễ mới, cây càng có giá trị thẩm mỹ hơn. Đất thay cho cây phải là loại đất tốt, không ô nhiễm, không nhiễm mặn, nhiễm phèn. Cây mai rất chịu phân hữu cơ, nên đất cần trộn với khoảng 1/4 – 1/3 là phân chuồng hoai mục. Nên tránh thay chậu vào mùa khô. Trong mùa khô phải dùng nước sạch để tưới vào các buổi sáng, tối, tưới vừa đủ, không để nước chảy ra nhiều, sẽ làm trôi mất chất có chứa trong đất.
Người ta thường bón thúc cho cây mai hằng năm theo hai mùa. Đầu mùa mưa, để giúp cây sinh trưởng tốt, phát triển cành lá, vào đầu mùa khô, để giúp cây có sức ra hoa. Lượng phân bón ít, song cần có chất lượng, có thể dùng phân hỗn hợp NPK, phân vi sinh hay bánh dầu xay nhỏ lên mặt chậu, kết hợp xới nhẹ đất cho thoáng và khi tan, phân xuống sâu, giúp cây hấp thụ nhanh. Ngoài hai lần chính, có người còn dùng nước phân hay khô dầu ngâm ải pha loãng tưới suốt mùa khô, 15 – 20 ngày một lần tới trước khi hái lá mới nghỉ.
Cây mai tuy ít sâu bệnh, nhưng có một con sâu đáng sợ, đó là con sâu đục thân, cần quan sát theo dõi cây thường xuyên, khi phát hiện thấy phân sâu như mùn cưa xuất hiện trên thân, cành, phải tìm ngay lỗ đục của nó, dùng ống kim tiêm bơm thuốc vào rồi vít lỗ, sâu sẽ chết. Để tới khi lá cây héo thì quá muộn, đồng thời quan sát để tỉa bỏ chồi tược, tránh làm cây bị hỏng tán phá thế. Muốn hoa ra trúng Tết, ngay từ mồng 10 tháng chạp đã phải quan sát nụ hoa và thời tiết. Nếu tiên đoán nửa cuối tháng chạp trời rét, thì hái lá sớm, còn thời tiết ấm, thì hái lá muộn đi, không nhất thiết cứ phải đúng ngày rằm tháng chạp, thời gian sớm muộn cũng chỉ là 1 – 2 ngày. Làm sao cho tới đúng ngày 23 tháng chạp, đa số các nụ hoa đã bung vỏ lụa là vừa. Nếu tới 25 – 26 tháng chạp vỏ lụa của nụ chưa bung, thì phải pha loãng phân NPK mà tưới thúc. Trái lại lúc này đã thấy có nụ chưa nở, thì phải hạn chế tưới nước, để đất khô mà hãm lại.
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0969.64.73.79